Thừa canxi dẫn đến táo bón, sỏi thận
Mua cốm canxi cho con ăn hằng ngày, uống sữa với hàm lượng canxi cao là một trong những nguyên nhân gây táo bón, sỏi thận.
Theo BS Tạ Diệu Yên, trưởng khoa Xương khớp Bệnh viện Đa khoa Tràng An, hiện nay, nhiều bà mẹ tự ý thường xuyên mua cốm canxi, các thuốc tăng cường canxi cho con ăn uống hằng ngày để mong muốn con mình sẽ cao hơn, thông minh hơn mà không biết đến mối nguy hại.
 
1.Cao hơn, thông minh hơn và sỏi thận
 
Nhiều trẻ coi cốm canxi như bánh kẹo, ăn thoải mái, thích lúc nào ăn lúc đó. Thực ra, các sản phẩm tăng cường canxi chỉ được chỉ định dùng vào buổi sáng để phối hợp với ánh sáng ban ngày, canxi được hấp thụ triệt để vào cơ thể.
 
Nếu uống quá liều, uống vào buổi tối, lượng canxi không hấp thụ hết có thể tích tụ gây vôi hóa thận, sỏi mật, táo bón, tăng canxi trong máu.
 
Khi cơ thể hấp thu quá nhiều canxi, thận sẽ phải làm việc nhiều để thải lượng dư thừa, lâu ngày sẽ gây sỏi thận.
 
Trẻ bị còi xương, chậm lớn, không chỉ do thiếu canxi. Có thể trẻ thiếu vitamin D, thiếu protit, gây hạn chế hấp thụ canxi ở ruột.
Các bệnh nội tiết, lạm dụng các thuốc kháng viêm nhóm corticoide cũng có thể dẫn đến thấp lùn. Trong những trường hợp này, cơ thể sẽ kém hấp thụ canxi nên việc cung cấp thêm canxi là vô nghĩa.
 
Cũng có thể trẻ thấp lùn do mắc một số bệnh như loạn sản sụn xương, bất thường về nhiễm sắc thể, bệnh đường tiêu hóa, tim mạch, gan thận, huyết học, tiểu đường, suy tuyến giáp, thiếu hormon tăng trưởng…
 
Vì vậy, cha mẹ không được tự ý mua canxi cho trẻ uống mà phải đi khám để phát hiện sớm nguyên nhân và điều trị kịp thời mới có thể cải thiện chiều cao.
 
2.Chỉ vì sợ loãng xương
 
Trong khi đó, theo bác sĩ Yên, do sợ bị loãng xương nên nhiều phụ nữ đã tự ý dùng các thực phẩm có hàm lượng canxi cao. Việc dùng nhiều các chế phẩm giàu canxi có thể làm cơ thể thừa canxi.
Tùy mức độ thừa canxi ít hay nhiều có thể gây các biến chứng từ nhẹ đến nặng như ăn không ngon miệng, táo bón, buồn nôn, mệt mỏi, đau cơ, đau xương, mất nước (do tiểu nhiều).
 
Lượng canxi thải qua đường tiểu cao sẽ kết hợp với phốt phát hoặc oxalat tạo thành sỏi thận. Do đó, nếu nghi ngờ loãng xương thì phải đến chuyên khoa xương khớp đo mật độ xương, tìm nguyên nhân cụ thể.
 
Nếu loãng xương do thoái hóa, giảm quá trình phân hủy xương thì phải dùng thuốc đặc hiệu tăng quá trình tái tạo xương. Các sữa có hàm lượng canxi cao chỉ cung cấp canxi chứ không phòng chống được loãng xương.
 
Vì vậy, tốt nhất là điều chỉnh chế độ ăn uống giàu canxi như tôm, tép, ốc, cua, trứng, và các loại rau, đậu… để cơ thể hấp thụ canxi tự nhiên một cách an toàn.