Rau má có tác dụng gì? Phụ nữ có thai có dùng được không?


    CÂY RAU MÁ CÒN CÓ TÊN GỌI KHÁC: tích tuyết thảo, liên tiền thảo, địa tiền thảo, mã đề thảo, lão công căn, băng khẩu uyển, thổ tế tân, bán biên nguyệt, đại diệp kim tiền thảo, hồ quả thảo, lục địa mai hoa, đại diệp thương cân thảo...

    TÊN KHOA HỌC: Centella asiatica (L.) Urban, thuộc họ hoa tán Apiacae

    BỘ PHẬN DÙNG: Cả cây, dùng tươi hoặc khô

    Thành phần hóa học chính của rau má là Saponin, tinh dầu, alcaloid, Flavonoid, chất đắng…

    THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN: rau má có vị đắng, cay,hơi ngọt, tính hàn, vào 3 kinh Can, Tỳ và Thận, Có công dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu viêm, sát trùng, cầm máu, dùng làm thuốc giải nhiệt, thông tiểu, chữa sốt, sởi, chảy máu cam, vàng da, mụn nhọt, mẩn ngứa

    SAU ĐÂY LÀ CÁC BÀI THUỐC CÓ RAU MÁ

    1. Chữa Tiểu tiện ra máu: rau má và ích mẫu mỗi thứ một nắm, rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống.
    2. Chữa Đái rắt, đái buốt do nóng: Rau má 40g, nõn tre 40g để tươi, giã nát với vài hạt muối, gạn lấy nước uống.
    3. Chữa viêm bàng quang cấp, rau má 12g, bồ công anh 20g, mã đề 16g, thài lài tía, chi tử, râu ngô, mộc thông, cam thảo dây, mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày 1 thang.
    4. Chữa Vàng da do thấp nhiệt: rau má 30-40g, đường phèn 30g, sắc uống.
    5. Chữa viêm gan vàng da, rau má (tươi) 100g, nhân trần hoặc bồ bồ 30g, chi tử 30g, vàng đắng 3g. Sắc uống, ngày 1 thang.
    6. Chữa rôm sảy, mẩn ngứa, giải nhiệt mùa hè, giúp mát gan lợi tiểu: Dùng 50g rau má rửa sạch giã vắt lấy nước, thêm ít đường hoặc một ít muối cho dễ uống.
    7. Chữa Lở loét ống chân: rau má tươi giã nát, đắp lên vùng tổn thương.
    8. Chữa mụn nhọt: Rau má và lá gấc mỗi thứ 50g rửa  sạch, giã nhỏ, cho ít muối vào trộn đều, đắp lên chỗ đau rồi băng lại, ngày thay thuốc 2 lần, đắp cho đến khi khỏi.
    9. Chữa Cảm nắng, khát nước, nhức đầu, đái đỏ, trẻ em gầy khô, da nóng
    • Bài 1: Rau má, rau sam, mỗi thứ 50g, giã nhỏ, thêm 1 chén nước nguội, chắt lấy nước cốt uống.
    • Bài 2: Lấy 30g rau má tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nước sôi để nguội, vắt lấy nước, rồi hoà 10g bột sắn dây, thêm đường uống.
    • Bài 3: Rau má, rau sam, sắn dây mỗi vị 30g, sắc uống
    1. Chữa Bệnh sởi: rau má 30-60g, sắc uống.
    2. Chữa Áp- xe vú giai đoạn đầu: rau má và vỏ quả cau lượng bằng nhau sắc uống, nếu pha thêm một chút rượu thì càng tốt.
    3. Chữa Viêm họng và viêm amidan: rau má tươi 60g rửa sạch, giã nát, ép lấy nước hòa với một chút nước ấm, uống từ từ.

    Lưu ý: Rau má có vị đắng, cay,hơi ngọt, tính hàn

    • Tránh lạm dụng rau má khi cơ thể ở trạng thái hư hàn
    • Không dùng khi bị tiêu chảy.
    • Khi sử dụng rau má, bạn nên ăn thêm một lát gừng để làm ấm bụng và trung hòa tính hàn của rau má.

    Một ngày mỗi người bình thường có thể dùng một cốc rau má, tương đương với khoảng 40 gram rau má, nhưng cũng không nên uống quá một tháng. Nếu muốn dùng đợt sau thì phải nghỉ tối thiểu nửa tháng rồi mới dùng tiếp.

    Không dùng nhiều trước và trong khi mang thai

    Vì các chất trong rau má làm giảm khả năng thụ thai. Và có thể dẫn đến khả năng sảy thai..