CHẾ ĐỘ LUYỆN TẬP VỚI NGƯỜI BỊ TIỂU ĐƯỜNG

Tập luyện thường xuyên làm gia tăng nồng độ HDL (loại cholesterol tốt), gia tăng sự tiêu hao năng lượng, giúp giảm trọng lượng cơ thể ở bệnh nhân béo phì. Quá trình tập luyện còn giúp người ta tăng sự hưng phấn, giảm được áp lực bệnh tật và công việc, hạn chế tình trạng stress. Tập thể dục đều đặn còn có tác dụng cao hơn đối với người có chế độ ăn với lượng calo vừa phải, nhưng sẽ ít hoặc không có tác dụng nếu bệnh nhân áp dụng chế độ ăn kiêng với lượng calo thấp (khoảng 600- 800kcal/ngày). Hoạt động thể lực đều đặn ở người bệnh đái tháo đường có thể giảm nồng độ đường máu cả trong và sau khi tập luyện. Người ta thấy rằng nếu tập đều đặn có thể cải thiện mức cân bằng lượng đường trong máu một thời gian dài và kiểm soát mức đường hằng ngày. Tập luyện còn giúp cơ thể tăng độ nhạy với insulin máu, do vậy nhu cầu insulin bổ sung hằng ngày có thể được giảm đi. Đây là tác dụng rất quan trọng với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2, vì tình trạng giảm độ nhạy với insulin là nguyên nhân chính gây tăng đường huyết ở người bệnh.

Những nguy cơ xảy ra là do người bệnh tập luyện quá mức sức khỏe của mình, trong số đó có người còn dùng quá liều thuốc hạ đường huyết hay ăn uống kiêng khem quá mức, dẫn đến cơ thể bị mất sức khi tập luyện. Một số người lại vận dụng một cách quá máy móc các bài tập, không kể lúc khỏe, lúc mệt. Do vậy bài tập phù hợp nhất cho người đái tháo đường là đi bộ hằng ngày, vào buổi sáng và chiều mát, mỗi lần đi khoảng 30 phút. Người bệnh phải chọn giày vải mềm. Trong khi tập luyện nếu thấy dấu hiệu hoa mắt chóng mặt cần ngừng tập ngay lập tức, đặc biệt chú ý đối với người già, người có các bệnh mạn tính đi kèm khác. Hằng ngày nên đo đường huyết để có sự điều trị và tập luyện phù hợp. Những người mới mắc bệnh hay bệnh được kiểm soát tốt cũng không nên tham gia những môn thể thao đòi hỏi nhiều sức như đá bóng, chạy việt dã, tập tạ...

DS. Cao Văn Minh